Thứ Hai, 26/10/2020, 10:13 (GMT+7)
.

Giáo viên chủ nhiệm - "linh hồn" của lớp học

Hiệu trưởng là “con chim đầu đàn” của tập thể giáo viên nhà trường. Còn giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là “linh hồn” của lớp học.

Có thể nói, GVCN không những có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập của học sinh (HS), mà còn là người hướng dẫn, đưa các hoạt động phong trào của lớp đi vào nền nếp ổn định. Không những thế, đội ngũ GVCN còn là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho hiệu trưởng, bao quát mọi hoạt động của nhà trường; đồng thời, là cầu nối quan trọng giữa nhà trường và gia đình.

Bên cạnh công tác giảng dạy thì GVCN là người quan tâm, sâu sát lớp học. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ).
Bên cạnh công tác giảng dạy thì GVCN là người quan tâm, sâu sát lớp học. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ).

1. Trong công tác tổ chức của mỗi trường học thường phân ra nhiều khối lớp với nhiều lớp học khác nhau. Mỗi lớp học, Ban Giám hiệu phân công một GVCN. Bên cạnh công tác giảng dạy, nhiệm vụ chính của GVCN là nghiên cứu, nắm vững tình hình, xây dựng tổ chức lớp học; tổ chức các hoạt động học tập, thể thao, văn nghệ; phối hợp với giáo viên bộ môn nâng cao chất lượng giáo dục cho HS.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, làm GVCN không quá khó nhưng cũng không dễ dàng; bởi đặc điểm HS ở mỗi cấp học đều có những điểm khác biệt cần lưu ý. Vấn đề đặt ra là GVCN cần linh hoạt, gần gũi, tận tình và phải hiểu rõ tính cách, tâm lý của từng HS của mình. Do đó, để làm tốt vai trò GVCN, đòi hỏi người giáo viên phải có kinh nghiệm, nhiệt huyết, hết lòng với HS.

Với bậc tiểu học mà đặc biệt là với khối lớp 1 khi HS vừa chuyển từ môi trường mẫu giáo sang môi trường phổ thông, GVCN được ví như là “bảo mẫu” phải chăm lo các em từ chuyện học, giao tiếp, giáo dục đạo đức, nhân cách đến cả chuyện chơi…

Có thể nói, trọng trách của GVCN ở bậc học này là vô cùng lớn, bởi chính giáo viên, đặc biệt là GVCN sẽ có trách nhiệm uốn nắn, dạy dỗ, tạo tiền đề quan trọng cho các em ở những bậc học kế tiếp. Bước sang môi trường giáo dục trung học, đây được xem là giai đoạn phát triển mạnh mẽ tâm sinh lý của HS. Chính vì vậy, đòi hỏi GVCN ở bậc học này phải thật sự thấu đáo, ứng xử khéo léo với học sinh của mình.

Cô Trần Ngọc Thảo, Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Tôi được phân công chủ nhiệm lớp 1. Với HS lớp 1, tuổi các em vẫn còn quá nhỏ nên vai trò của người GVCN là vô cùng quan trọng trong tổ chức xây dựng lớp, chăm lo dạy dỗ các em từ việc học tập đến vệ sinh, ăn uống… Niềm vui của những GVCN như chúng tôi chính là mỗi ngày được nhìn thấy các em vui tươi, khỏe mạnh, học tập tốt”.

Có thể nói, nhà trường như một xã hội thu nhỏ và mỗi lớp học là một gia đình. Với mỗi cấp học khác nhau, GVCN sẽ có những cách quản lý, ứng xử cũng như hướng dẫn cho học trò mình một cách tương ứng. Qua đó có thể thấy, vai trò GVCN là vô cùng lớn trong việc nâng cao chất lượng học tập cũng như định hình tính cách, giáo dục đạo đức HS.

2. Để tạo động lực cho GVCN, ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện giảm 4 tiết dạy ở bậc trung học và 3 tiết dạy ở bậc tiểu học cho GVCN. Có thể nói, những ai đã chọn nghề giáo thì đã có trong mình lòng nhiệt huyết yêu nghề, yêu học trò. Thật tế không có giải pháp nào để hướng dẫn làm tốt vai trò GVCN mà đòi hỏi bản thân GVCN phải có cái tâm, lòng kiên trì, sự nhẫn nại và tự học hỏi kinh nghiệm trong thực hiện vai trò của mình.

Theo kinh nghiệm của cô Phạm Thị Mộng Tuyền, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP. Mỹ Tho, để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp học ở các trường phổ thông, vào đầu năm học, GVCN các lớp cần nắm bắt kỹ tình hình hoạt động của lớp và của từng học sinh từ GVCN cũ của các em. Tiếp đến, GVCN tổ chức lớp thành các tổ sao cho số lượng và chất lượng HS ở mỗi tổ phải đồng đều nhau. Khi phân công Ban Cán sự lớp, GVCN cần chọn những HS học tốt, gương mẫu, chăm ngoan, có năng lực quản lý lớp và được tập thể lớp tín nhiệm cao. Làm công tác chủ nhiệm lớp học, bên cạnh sự quan tâm sâu sát công tác tổ chức lớp học, GVCN cũng cần có sự gắn bó đồng hành với lớp trong các hoạt động phong trào của nhà trường.

Bên cạnh đó, GVCN cần phải cầu thị, lắng nghe sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu hay ý kiến đóng góp của giáo viên bộ môn để nắm bắt tình hình của lớp, của HS. Trong mối quan hệ với phụ huynh, GVCN phải niềm nở, giao tiếp có chuẩn mực, lắng nghe, nắm bắt gia cảnh của từng HS để có những biện pháp chia sẻ, hướng dẫn kịp thời.

Công tác chủ nhiệm rất quan trọng trong quá trình hoạt động giáo dục. Để làm tốt vai trò GVCN đòi hỏi người giáo viên phải có kinh nghiệm, lòng yêu thương và hết lòng với học trò của mình.

PHƯƠNG PHƯƠNG

 

.
.
.