Thứ Tư, 04/12/2019, 11:07 (GMT+7)
.

Sân chơi trải nghiệm cho học sinh trường nghề

Các TS tham gia Hội thi lần thứ IV năm 2019.
Các TS tham gia Hội thi lần thứ IV năm 2019.

Qua 4 lần tổ chức thành công, Hội thi Học sinh, sinh viên (HS-SV) giỏi nghề tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Hội thi) được xem là sân chơi bổ ích, giúp HS-SV các trường nghề trên địa bàn tỉnh trau dồi, trải nghiệm, cọ xát kỹ năng nghề nghiệp được học trong nhà trường ra ngoài thực tế. Hội thi cũng đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường nghề.

RÈN LUYỆN KỸ NĂNG

Hội thi lần thứ IV năm 2019 diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua đã thu hút 46 thí sinh (TS) của 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký tham gia dự thi ở 6 ngành, nghề: Công nghệ ô tô (9 TS), may thời trang (8 TS), lắp đặt điện (8 TS), điện lạnh (6 TS), xây gạch (6 TS) và tiện (9 TS). Đề thi năm nay biên soạn theo hướng đề thi tay nghề quốc gia và khu vực ASEAN, kết hợp đánh giá TS ở 2 mặt là kiến thức và kỹ năng thực hành nghề.

Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Phước Tân cho biết, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ôn tập, chuẩn bị khá tốt các kiến thức, kỹ năng cho TS tham gia dự thi. Qua thực tế chấm thi cho thấy, có nhiều TS tuy còn ít tuổi nhưng đã bộc lộ niềm yêu thích nghề nghiệp, với kỹ năng thực hành, nhuần nhuyễn.

Số lượng TS đạt điểm chuẩn khá cao. Còn theo đánh giá từ Ban Giám khảo Hội thi lần thứ IV năm 2019, chất lượng các bài thi năm nay có sự đầu tư chu đáo, kỹ lưỡng hơn so với những kỳ Hội thi trước. Các TS có tư duy về nghề nghiệp, tiếp cận được với công nghệ mới khá tốt và không còn theo lối mòn cũ. Điểm số của các TS dự thi ở một số nghề như điện lạnh, may thời trang, tiện có khoảng cách rất rõ.

TS Phan Thành Tâm, Trường Trung cấp Gò Công dự thi nghề Công nghệ ô tô cho biết: “Hội thi thực sự là sân chơi bổ ích để HS-SV các trường nghề trên địa bàn tỉnh học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về học nghề; đồng thời, tạo điều kiện cho HS-SV trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp với thực tế. Qua thực tế học nghề cho thấy, để sửa chữa, vận hành thành thạo một chiếc ô tô là vô cùng khó, đòi hỏi người học phải có quá trình mày mò, học hỏi và sáng tạo rất nhiều, không chỉ đơn thuần học tập 2 hoặc 3 năm mà đó là quá trình tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp qua thực tế va chạm với từng sản phẩm cụ thể”.

Hội thi năm nay khép lại với 39 TS đoạt giải, trong đó có 6 TS đoạt giải Nhất, 8 TS đoạt giải Nhì, 11 TS đoạt giải Ba, 14 TS đoạt giải Khuyến khích và 3 tập thể trường nghề đạt kết quả cao được khen thưởng, Theo đánh giá của Ban Tổ chức Hội thi, thông qua các kỳ Hội thi đã góp phần nâng chất công tác đào tạo nghề nghiệp ở các trường nghề trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy, sau khi tốt nghiệp HS-SV các trường nghề của tỉnh có thể tự tin tham gia vào thị trường lao động; ứng dụng các kiến thức học tập để thực hành nghề nghiệp một cách bày bản.

NÂNG CHẤT ĐÀO TẠO

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với trên 16 ngàn HS-SV theo học. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chất lượng công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh từng bước nâng lên. HS-SV các trường nghề ra trường tìm được việc làm ngày càng tăng. Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu với UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nghề tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, các trường nghề cần duy trì thường xuyên các hội thi nghề nhằm giúp HS-SV có điều kiện rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp; đồng thời, tăng cường tổ chức hội giảng để giáo viên các trường nghề trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới nhằm áp dụng tốt vào quá trình giảng dạy truyền thụ kiến thức cho HS-SV.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang Nguyễn Quang Khải cho biết, những năm qua không riêng Trường Cao đẳng Tiền Giang mà có thể thấy rằng chất lượng đào tạo tại các trường nghề trên địa bàn tỉnh từng bước được hiện đại hóa, nhận được sự quan tâm ủng hộ đông đảo của các bậc phụ huynh khi cho con em theo học.

Các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tại nhiều trường nghề đã được quan tâm đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng các giờ học thực tế. Đa phần bài giảng được giảng viên các trường nghề sử dụng nhuần nhuyễn giữa phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học tích cực, tạo hứng thú, không khí học tập tích cực, phát huy được tính tự chủ và sáng tạo của người học.

ĐỖ PHI

.
.
.