Thứ Bảy, 28/01/2023, 16:42 (GMT+7)
.

Thách thức và triển vọng kinh tế năm 2023

Thế giới đang thay đổi rất nhanh cả về địa chính trị và cách mạng công nghệ, mở ra thời cơ mới rất lớn cho Việt Nam nếu biết tận dụng.

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8/2022 đã nhắn gửi một lời khuyên chí lý: “Bầu trời không có giới hạn, lãnh đạo và người dân Việt Nam nên có ước mơ cao và xây dựng tâm thế, vị thế Việt Nam ở tầm cao”.

Do đó, cần nhận định, đánh giá đúng tình hình thế giới để có giải pháp, định hướng phù hợp, đưa đất nước và dân tộc vào đường băng cất cánh.

Tăng trưởng dựa vào đâu?

Nhìn lại tình hình trong nước, có lạc quan, đáng mừng không khi chúng ta nhìn vào chỉ số GDP tăng 8,02%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Con số kỷ lục đó thể hiện sự tương phản ra sao với hoàn cảnh hàng trăm ngàn công nhân bị cắt giảm việc làm, hàng loạt nhà máy cắt giảm công suất hay đóng cửa tạm thời, các thị trường chứng khoán, bất động sản đóng băng?

GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm trước, đánh dấu mức tăng cao nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. Trong đó, tốc độ tăng trưởng cao nhất đến từ khu vực dịch vụ tăng 9,99% chiếm 41,33% trong cơ cấu GDP, thấp nhất là mảng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,88%, tăng 3,85% với cơ cấu thấp thứ 2 trong GDP.

Tốc độ tăng trưởng 8,02% có được là dựa trên nền thấp khi các chỉ số vĩ mô năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid. Tăng trưởng Quý 3/2022 lên tới 13,71% là rất cao vì chính sách phong tỏa hoàn toàn TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh lân cận, và sau đó là toàn miền Bắc rơi vào Quý 3/2021 và Quý 4/2021. Tăng trưởng của quý Q3/2022 so với quý Q3/2021 cao như vậy là hoàn toàn hợp lý.

Cùng với nền thấp như vậy, kết quả tăng trưởng GDP Quý 4/2022 chỉ tăng 5,92% so với Q4/2021. Đây là con số thấp nhưng không nằm ngoài dự báo.

b

Việt Nam đang đứng trước giai đoạn bản lề (2023-2025) cho chiến lược phát triển thoát “bẫy thu nhập trung bình”.

Việt Nam đang đứng trước giai đoạn bản lề (2023-2025) cho chiến lược phát triển thoát “bẫy thu nhập trung bình”.

Bên cạnh đó, nhìn vào chi tiết cơ cấu GDP thì thấy, tăng trưởng nằm chủ yếu ở tăng trưởng của dịch vụ, chiếm tỷ trọng 41,33% GDP. Tuy nhiên, năm 2022 chúng ta có thể thấy rõ ràng ngành dịch vụ vẫn chưa hoàn toàn được khai thông trở lại, hàng không chưa được khai thác triệt để, đặc biệt Trung Quốc vẫn đang thực hiện Zero Covid.

GDP tăng trưởng ngoạn mục hoàn toàn nhờ dịch vụ và sản xuất công nghiệp đặc biệt trong 3 quý đầu năm 2022. Với GDP vượt mức 400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đã vượt con số 4000 USD năm 2022. Về dài hạn cần phân tích thêm các yếu tố thống kê và dự báo cho mốc 5000 USD.

Các thị trường đều khó khăn

Việt Nam đang đứng trước giai đoạn bản lề (2023-2025) cho chiến lược phát triển thoát “bẫy thu nhập trung bình”. Năm 2023 được xem là năm khó dự báo với nhiều ẩn số đến từ nội tại trong nước và các yếu tố kinh tế chính trị đến từ thị trường quốc tế.

Dự báo của FED về sự kiểm soát lạm phát của Mỹ là yếu tố tác động lớn đến ổn định của thị trường ngoại hối Việt Nam, dự trữ ngoại hối và tỷ giá USD/VND được neo giữ ở biên độ phù hợp là chỉ số dẫn trước tích cực cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là cơ hội của nền kinh tế Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà còn đẩy mạnh nguồn thu từ phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, năm 2023 dự báo tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ rất khó tăng như năm 2022 vì tăng năng suất luôn thấp hơn sản xuất hàng hoá. Đây là điều tra về kế hoạch mua hàng hoá để sản xuất năm 2023. Du lịch tăng so với năm trước 40% do năm 2021 đang bị ảnh hưởng do đại dịch Covid. Chỉ số PMI dưới 50 nghĩa là khả năng sản xuất suy thoái hoặc đi xuống trong năm 2023.

Tình hình kinh tế ảm đạm ở trên thế giới cho thấy rõ, xuất khẩu đang xuống và tổng vốn FDI cũng thế. Điều này nói lên rằng, tăng trưởng năm 2023 không dễ dàng khi kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn lớn, Mỹ cũng không khá và EU dự báo còn tệ hơn.

b

PMI sản xuất của Việt nam, điều chỉnh theo mùa, >=50 cải thiện so với tháng trước đó. Tổng hợp từ S&P Global

Chỉ số PMI có xu hướng đi xuống dưới mức 50, đặc biệt là tháng 11-12/2022 và thậm chí tháng 1/2023 (tháng tết). Điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang trên đà suy thoái, đơn hàng giảm, sản xuất giảm, việc làm giảm và đặc biệt là niềm tin giảm. Sự giảm sút sức mua, giảm các đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam bao gồm Trung Quốc, EU và Mỹ.

Bên cạnh đó chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao trong nửa cuối năm 2022 là những nguyên nhân chính cho sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất. Những bất ổn của thị trường trái phiếu và đóng băng của thị trường bất động sản kéo dài cũng là dấu hiệu cho thấy áp lực suy thoái sẽ tiếp tục gia tăng cho nửa đầu năm 2023 cho đến khi xuất hiện các cú hích đến từ chính sách nới lỏng tiền tệ và sự hồi phục của các đơn hàng đến từ thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến lĩnh vực đầu tư công được trông chờ là công cụ tài khóa thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tỷ lệ giải ngân đầu tư công thì không có nhiều sự lạc quan cho việc nới lỏng chính sách tài khóa.

b

Nguồn: Bộ Tài chính Việt Nam

Giải pháp lựa chọn

Chính phủ cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách, cơ chế và bộ máy nhân sự để có thể đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo để kích cầu. Một trong những hạn chế lớn cố hữu của Việt Nam là tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng chậm vì nhiều lý do là nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Chào năm mới 2023: Từ khát vọng đến hành động

Bước vào năm 2023, Việt Nam ghi nhận một kỷ lục mới trong suốt hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước: dân số chính thức đạt 100 triệu người, trở thành quốc gia đông dân số thứ 15 trên thế giới.

Giải pháp của thị trường tiền tệ và thị trường vốn, đặc biệt là áp lực của thị trường trái phiếu đến hạn năm 2023 và 2024 sẽ là chìa khóa khơi thông huyết mạch của nền kinh tế. Theo VTV, trái phiếu đến hạn năm 20223 là 284.000 tỷ đồng và năm 2024 là 363.000 tỷ đồng. Sức ép thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn là vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt khi hành lang pháp lý của thị trường trái phiếu chưa được hoàn thiện. Khó hy vọng thị trường bất động sản sớm hồi phục. Việc giải quyết vốn ngắn hạn, và trung hạn cho thị trường bất động sản cần được khơi thông để tránh đổ vỡ dây chuyền, lây lan từ doanh nghiệp bất động sản đến các tổ chức tài chính ngân hàng.

Doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với thiếu hụt vốn nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất tăng cao và room tín dụng thắt chặt cuối năm 2022 là đòn giáng mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cần phải có chính sách kịp thời nhằm ổn định lạm phát, tỷ giá nhưng cũng từng bước cung ứng điều tiết chính sách tín dụng nhịp nhàng phù hợp với chu kỳ vận động của nền kinh tế.

Để gỡ khó khăn cho dân và doanh nghiệp, một trong những việc quan trọng là cải thiện ngành ngân hàng ở hai mặt: tăng cường tính minh bạch và chống tham nhũng. Cần hết sức cảnh giác với tình trạng sở hữu chéo.Thúc đẩy chính sách tài khóa nới lỏng đi kèm theo cơ chế điều hành đồng bộ của thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Chính phủ cần phải có những biện pháp hữu hiệu để giúp đỡ những người thất nghiệp, trợ cấp y tế, an ninh xã hội.  Mặt khác cần tăng cường các nỗ lực giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Cũng cần phải giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường đầu vào của Trung Quốc.

Hơn lúc nào hết, chính sách dùng người cho đúng chỗ đúng lúc là then chốt.  Sau chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng, Việt Nam cần tiến tới "đốt lò" chống tệ quan liêu, tiêu cực hành chính. Các quan chức không làm đúng, đủ phận sự của mình phải bị cảnh cáo, trừng phạt, hoặc cách chức. Về điều hành, cơ quan nhà nước cần tập trung vào việc ban hành các quy định như luật, nghị định, thông tư không nên bằng chỉ thị dễ bị chủ quan, duy ý chí.

Tình trạng cán bộ cơ quan nhà nước hiện nay lo ngại bị xử lý hình sự nên không dám đưa ra quyết định, giải quyết công việc cho doanh nghiệp, có thể đòi hỏi thời gian dài mới trở lại bình thường.

Thay cho lời kết

Nhìn chung, kinh tế năm 2023 sẽ tăng thấp hơn so năm 2022 nhiều.  Chỉ số công nghiệp tháng 12 chỉ còn tăng 0,2% so với năm trước và bắt đầu giảm mức tăng từ tháng 10.

Thách thức và cơ hội cho nền kinh tế năm 2023 cần phải được nắm bắt và đánh giá thật kỹ lưỡng và khoa học. Các ban ngành các doanh nghiệp cần chuẩn bị và sẵn sàng nắm bắt những cơ hội đến từ những dự báo tích cực theo các chỉ số Leading Indicators, đặc biệt là ngành dịch vụ, sản xuất,  và xuất khẩu cho các thị trường truyền thống Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Cần tạo tâm thế mới về kinh tế, xây dựng và phát triển kinh tế dữ liệu, nền tảng của kinh tế trí tuệ nhân tạo. Có giải pháp triển khai hữu hiệu, tập hợp, phát huy được trí tuệ, sáng tạo và ý chí của những người có năng lực dẫn dắt sáng tạo, tổ chức triển khai thông minh ở cả trong và ngoài nước, tạo dựng vị thế thương hiệu các sản phẩm dịch vụ kinh tế dữ liệu ở các nước văn minh tiên tiến như Mỹ, Nhật, châu Âu, Ấn Độ.

Mặc dù thách thức và khó khăn năm 2023 là hiện hữu nhưng nếu các giải pháp đồng bộ trên được thực thi thì đà suy thoái của nền kinh tế sẽ sớm được chặn lại để tạo đà cho chu kỳ tăng trưởng kinh tế tiếp theo. 

                                                                                                                                Tiến sỹ Tô Văn Trường                                                                                                                            Theo VietNamNet

.
.
.