.

Huyện Gò Công Đông: Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 10:13, 19/04/2024 (GMT+7)

Ngay từ đầu năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm, cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của quý I-2024 về phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả khả quan.

NHIỀU KẾT QUẢ KHẢ QUAN

Theo UBND huyện Gò Công Đông, năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gò Công Đông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kinh tế - xã hội huyện Gò Công Đông có nhiều điểm sáng trong 3 tháng đầu năm 2024.
Kinh tế - xã hội huyện Gò Công Đông có nhiều điểm sáng trong 3 tháng đầu năm 2024.

Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Văn Sơn cho biết, trong những tháng đầu năm 2024, huyện đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; giữ vững quốc phòng - an ninh trật tự, đảm bảo an sinh xã hội.

Huyện tiếp tục quan tâm kiện toàn, sắp xếp, bố trí cán bộ, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; quy chế dân chủ cơ sở được phát huy, kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên, dư luận xã hội, chủ động giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân…

Qua 3 tháng triển khai thực hiện nhiệm vụ, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Gò Công Đông tiếp tục đạt được kết quả khả quan. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 419 tỷ đồng; thu ngân sách được 25,601 tỷ đồng, đạt 22,2% kế hoạch. Trên địa bàn huyện thành lập mới 4 doanh nghiệp, nâng tổng số là 277 doanh nghiệp. Toàn huyện có tổng số 18 hợp tác xã và 52 tổ hợp tác.

Tình hình sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi, năng suất cây trồng, vật nuôi được giữ vững. Vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, toàn huyện xuống giống 8.794 ha, thu hoạch dứt điểm, năng suất bình quân 7 tấn/ha (lúa khô), sản lượng bình quân đạt 61.558 tấn, đạt 110,9% kế hoạch (cao hơn năm 2022 - 2023 là 683 tấn).

Hạ tầng giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa thông thoáng, thuận tiện cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa.
Hạ tầng giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa thông thoáng, thuận tiện cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa.

Màu thực phẩm xuống giống 2.433 ha, lũy kế đến nay 5.620 ha, thu hoạch lũy kế 87.344 tấn. Huyện tiếp tục định hướng phát triển các cây ăn trái chủ lực gồm sơ ri, thanh long, mãng cầu Xiêm…

Diện tích cây ăn trái toàn huyện khoảng 960 ha, sản lượng lũy kế thu hoạch trong quý 1.360 tấn, tương đương năm 2023, đạt 5,4% so với kế hoạch năm.

Tổng sản lượng thủy sản được 13.250 tấn; diện tích thả tôm lũy kế đến nay là 86,5 ha/86 hộ. Diện tích nuôi nghêu là 2.200 ha, trong quý thu hoạch rải rác ở một số sân với sản lượng 2.540 tấn, lũy kế là 2.540 tấn. Diện tích thả nuôi cá 250 ha, thu hoạch được 59 tấn. Sản lượng khai thác biển đạt 10.741 tấn…

Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành Giáo dục và Đào tạo ổn định. Ngành Y tế tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh truyền nhiễm. Huyện tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, phục vụ nhu cầu vui chơi cho nhân dân.

Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo tết cho đối tượng chính sách, hộ nghèo được triển khai thực hiện tốt, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Các xã, thị trấn đã tích cực vận động các mạnh thường quân hỗ trợ với nhiều hình thức giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo... đảm bảo 100% đối tượng đều được hỗ trợ quà tết, tổng kinh phí 3,144 tỷ đồng. Huyện tiếp tục thực hiện vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong cuộc sống…

QUYẾT TÂM VỀ ĐÍCH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO

Trong năm 2024 này, Gò Công Đông quyết tâm về đích huyện nông thôn mới nâng cao. Huyện tiếp tục hướng dẫn UBND các xã rà soát, xây dựng lộ trình phấn đấu duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao, xây dựng thị trấn Tân Hòa và thị trấn Vàm Láng đạt chuẩn văn minh đô thị năm 2024.

Về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, hiện nay huyện có 11 sản phẩm, đang hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để được chứng nhận đạt OCOP đối với sản phẩm: Ruốc sấy, trái sơ ri tươi, nước mắm Vĩnh Lợi, lạp xưởng Ngọc Thuận, Khu du lịch Vườn Xanh.

Về tiến độ thực hiện các dự án trong khu - cụm công nghiệp, Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 đã thu hút được 2 dự án, diện tích lấp đầy được 11,7/40 ha, đạt tỷ lệ 29%, đang tiếp tục kêu gọi đầu tư. Cụm công nghiệp Gia Thuận 2 đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và mời gọi nhà đầu tư thứ cấp năm 2025.

Dự án Tổng kho dầu khí Soài Rạp - Nam Sông Hậu Petro, huyện đã bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, đã được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất; nhà đầu tư đang đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án...

Đồng chí Lê Văn Sơn cho biết, mục tiêu trong năm 2024, huyện phấn đấu thực hiện tốt 9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, góp phần cho tỉnh Tiền Giang hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.

Trong các chỉ tiêu tỉnh giao trong phát triển kinh tế - xã hội, có 2 nhiệm vụ rất quan trọng là thực hiện xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu Tân Đông; xây dựng hoàn thành 9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

Huyện đã đề ra các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ; trong đó, tập trung mời gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, Gia Thuận 2 nhằm lấp đầy trên 50% diện tích của cụm công nghiệp để đạt được chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Huyện tiếp tục mời gọi đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án của huyện, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển thành lập mới các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tăng nguồn vốn của các doanh nghiệp cho sự phát triển trên địa bàn huyện.

Đồng thời, tập trung phát triển du lịch trên địa bàn huyện theo tinh thần Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Các chỉ tiêu còn lại, UBND huyện sẽ triển khai thực hiện quyết liệt, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, về thu ngân sách, huyện tập trung thu ngân sách để đảm bảo nguồn lực đầu tư, sẽ đầu tư vào các công trình, dự án mà HĐND đã đề ra trong năm 2024.

L. OANH - Q. TOÀN

.
.
.