Thứ Ba, 10/10/2023, 09:11 (GMT+7)
.
ĐỒNG CHÍ TRẦN THỊ KIM CÚC, NGUYÊN ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY TIỀN GIANG:

Đồng chí Nguyễn Thị Thập luôn sống mãi trong lòng tôi

“Vinh dự và cũng là hạnh phúc lớn đối với tôi là những lần được gặp đồng chí Mười Thập, được trực tiếp nghe đồng chí hỏi thăm, động viên… Tôi luôn ghi nhớ và xem đồng chí là tấm gương sáng, suốt đời noi theo” - đó là lời tâm sự của đồng chí Trần Thị Kim Cúc, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang.

ẤN TƯỢNG QUA NHỮNG LẦN GẶP

Sau ngày giải phóng năm 1975, tỉnh Mỹ Tho và Gò Công hợp nhất, đồng chí Trần Thị Kim Cúc khi đó ở khu, khu giải thể đồng chí về tỉnh. Nhưng lúc đó, Mỹ Tho thì đông cán bộ, còn Chợ Gạo là một trong những vùng bị địch đánh phá trong chiến tranh, nên sau giải phóng cán bộ rất mỏng, thiếu. Thế là đồng chí Kim Cúc được tăng cường về Chợ Gạo và được phân công làm Phó Bí thư Huyện đoàn Chợ Gạo.

“Cũng trong thời gian này, Tỉnh ta có chủ trương lớn, đó là làm công trình đào kinh Xuân Hòa (Chợ Gạo) để đưa nước ngọt về Gò Công. Đây là công trình lớn nhất đầu tiên của tỉnh. Khi đó, tôi cùng anh Năm Nhỏ là Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn đã trực tiếp đi vận động trên 1.000 thanh niên tham gia. Sau lễ khởi công vào ngày 26-4-1976, thanh niên là lực lượng chính để đào kinh” - đồng chí Kim Cúc kể.

Lúc đó, đồng chí Trần Thị Kim Cúc chỉ mới nghe tên và được biết là đồng chí Nguyễn Thị Thập người của quê hương về Tiền Giang ứng cử Đại biểu Quối hội. Vào dịp khởi công kinh Xuân Hòa có đồng chí Nguyễn Thị Thập cùng các bác, các chú trên tỉnh về dự.

“Đó là lần đầu tiên tôi nghe giới thiệu đồng chí Nguyễn Thị Thập, là đại biểu của Trung ương về dự lễ khởi công, là người phụ nữ duy nhất trong đoàn cán bộ về dự. Ấn tượng của tôi lần đầu tiên gặp đồng chí Mười Thập không nhiều, chỉ thấy, nhận biết đó là người phụ nữ mặc bộ đồ màu đen, có khuôn mặt đôn hậu, hiền từ...” - đồng chí Trần Thị Kim Cúc nhớ lại lần đầu tiên được nhìn thấy đồng chí Nguyễn Thị Thập.

Đồng chí Trần Thị Kim Cúc xem lại hình ảnh về cuộc đời và hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Thập.
Đồng chí Trần Thị Kim Cúc xem lại hình ảnh về cuộc đời và hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Thập.

Gần 20 năm sau, đồng chí Trần Thị Kim Cúc mới có dịp gặp lại đồng chí Nguyễn Thị Thập lần thứ hai và để lại nhiều ấn tượng hơn. Đồng chí Kim Cúc kể: Vào những năm 1992, khi đó tôi là Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tiền Giang. Một hôm, tôi nghe Văn phòng báo là có đoàn Trung ương về làm việc với Tiền Giang mà có nữ nữa.

Trong giai đoạn này, cán bộ nữ của tỉnh rất ít, nên anh Võ Đông Ba kêu tôi cùng qua dự buổi làm việc, vì trong đoàn làm việc của Trung ương có nữ, qua dự để gặp gỡ, tiếp khách. Thế là tôi dự, nghe giới thiệu đồng chí Nguyễn Thị Thập, thì tôi mới nhớ ra: À, đây là đồng chí Mười Thập đã về dự lễ khởi công kinh Xuân Hòa cách đây gần 20 năm.

Lúc nghỉ giữa buổi làm việc, thấy có mình tôi là nữ nên đồng chí Nguyễn Thị Thập đã bước lại hỏi thăm. Đồng chí Mười Thập hỏi tôi: Cháu ở đâu? Tôi mới trả lời: Dạ, cháu ở xã Kim Sơn, huyện Châu Thành. Đồng chí Mười Thập mới nói: À, Kim Sơn là trên Long Hưng, cùng quê với đồng chí. Rồi đồng chí Mười Thập hỏi thăm tôi về gia đình, thời gian tham gia kháng chiến.

Trước đây, vào năm 1978 - 1980, tôi đi học bổ túc văn hóa có học chung với chị Lương Thanh Phương là cháu nội của đồng chí Mười Thập, nên biết nhiều về đồng chí qua lời kể của chị Phương, tôi mới biết về quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Mười Thập. Được biết nhiều về đồng chí Mười Thập qua lời kể của chị Phương, rồi được đồng chí quan tâm hỏi thăm, trong tôi khâm phục và kính trọng đồng chí Mười Thập vô cùng.

Sau này, khi lâm bệnh nặng, phải ngồi xe lăn, nhưng đồng chí Mười Thập lại về thăm, gặp gỡ cán bộ tỉnh để nhắn gửi, dặn dò. Những phút cuối đời, đồng chí Mười Thập vẫn một lòng luôn hướng về quê hương, mong muốn được an nghỉ tại quê nhà. Đồng chí Trần Thị Kim Cúc xúc động: Lần thứ ba tôi gặp đồng chí Mười Thập là khi đồng chí bệnh, tôi cùng anh Huỳnh Văn Niềm và anh Võ Đông Ba lên TP. Hồ Chí Minh thăm. Lúc đó, đồng chí Mười Thập nhớ và biết hết những ai tới thăm mình nhưng không còn nói được. Lần cuối cùng là tôi tiễn đồng chí Mười Thập tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

NGƯỜI PHỤ NỮ KIÊN CƯỜNG

“Đồng chí Mười Thập là người phụ nữ hết sức kiên cường, nhất là vào thời kỳ cách mạng khó khăn. Những năm 1930, thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng miền Nam rất ác liệt. Các bác, các cô hoạt động lúc đó hết sức gian nan. Tình yêu đất nước, tinh thần cách mạng, quả cảm nhân lên làm cho con người có nghị lực vô song, hy sinh là thấy trước mắt nhưng vẫn không chùn bước. Qua đọc những bài báo, sách viết về khởi nghĩa Nam kỳ, tôi đều bắt gặp đồng chí Mười Thập tinh thần cách mạng trước cũng như sau Khởi nghĩa Nam kỳ.

Đồng chí Mười Thập còn là người phụ nữ hy sinh tình riêng vì cách mạng, một phẩm chất vô cùng quý giá. Bên cạnh đó, đồng chí Mười Thập còn rất mưu trí, sáng tạo vượt qua được tai mắt của địch để hoạt động khi bí mật, lúc công khai. Đồng chí Mười Thập còn có lòng thương dân, gắn bó với quần chúng nhân dân, được nhân dân che chở, bảo vệ; công tác vận động quần chúng vô cùng tốt” - đồng chí Trần Thị Kim Cúc nói về đồng chí Mười  Thập với lòng kính phục.

Đồng chí Trần Thị Kim Cúc cho rằng, sự nghiệp của mình so với giai đoạn cách mạng mà đồng chí Mười Thập đã đi qua thì chẳng là gì. Đồng chí Kim Cúc tâm niệm: Công tác cán bộ nữ, lực lượng quần chúng rất đông. Bây giờ mình là lãnh đạo, mình là nữ thì làm sao để có lực lượng cán bộ có tinh thần trách nhiệm, giỏi giang để tiếp tục sự nghiệp của đồng chí Mười Thập hay của các ông bà, các bác để lại.

Tôi thấy đó là trách nhiệm của mình cần phải cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa. Lực lượng nữ rất đông, nhưng cán bộ nữ còn ít, vì thế mà lãnh đạo thời kỳ nào cũng vậy cần quan tâm, tạo điều kiện, chăm lo, bồi dưỡng cho phụ nữ có cơ hội phát triển.

Để tỏ lòng tôn kính đối với đồng chí Nguyễn Thị Thập, vào năm 2005, trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Thị Kim Cúc đã chỉ đạo cho dựng Nhà thờ đồng chí Mười Thập tại Đình Long Hưng.

HÀ PHƯƠNG 

.
.
.