Thứ Hai, 30/11/2020, 12:32 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH (1-12-1920 - 1-12-2020)

Vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc

Đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam) sinh ngày 1-12-1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế; quê quán xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí Lê Đức Anh luôn thể hiện là một vị tướng tài ba, quả cảm.

Trong thời bình, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước rồi Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, quyết liệt và chí công vô tư. Ngày 22-4-2019, Đại tướng Lê Đức Anh đã qua đời tại nhà công vụ trong Trạm khách Bộ Quốc phòng (T66), số 5, Hoàng Diệu, Hà Nội.

Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

VỊ TƯỚNG TÀI BA

Đồng chí Lê Đức Anh sinh ra và lớn lên tại xã Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Thời niên thiếu, đồng chí đã sớm được tiếp xúc với những người yêu nước và cách mạng, đọc báo chí tiến bộ và tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, về Nguyễn Ái Quốc và tham gia phong trào đấu tranh đòi độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc. Hoạt động cách mạng của đồng chí bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, như rải truyền đơn, treo cờ… Năm 1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng, khi đó mới tròn 18 tuổi.

Đại tướng Lê Đức Anh thị sát Trường Sa tháng 5-1988.
Đại tướng Lê Đức Anh thị sát Trường Sa tháng 5-1988.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí làm chỉ huy quân đội ở tỉnh Thủ Dầu Một, sau đó tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Đông Nam bộ. Đồng chí đã công tác, chiến đấu trên nhiều mặt trận từ Nam ra Bắc; góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước tiến lên chính quy hiện đại. Năm 1986, Đại tướng Lê Đức Anh là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, từ năm 1987 là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Đồng chí là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 1992 - 1997…

Cuộc đời binh nghiệp của đồng chí Lê Đức Anh gắn với nhiều chiến trường và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả trên chiến trường nước bạn. Đồng chí từng chỉ huy bộ đội tham gia những trận đánh quan trọng, những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh như: Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Cuộc chiến đấu chống lấn chiếm vùng giải phóng năm 1973, Chiến dịch Phước Long năm 1974, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Chiến dịch giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng năm 1979.

Đồng chí là người trực tiếp thị sát, chỉ đạo và đóng góp quan trọng trong xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí đảm trách chỉ huy và lãnh đạo trực tiếp cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn (Đoàn 232), 1 trong 5 cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Sau này, trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, với tình cảm sâu nặng và ý thức trách nhiệm lớn lao, Đại tướng Lê Đức Anh thường xuyên đến thăm, kiểm tra công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị Quân đội, Công an. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh rất quan tâm công tác chính sách hậu phương quân đội, giải quyết tồn đọng về chính sách sau chiến tranh.

Ngày 10-9-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” để tặng hoặc truy tặng những bà mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; đồng thời, cũng là để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

NHÀ NGOẠI GIAO XUẤT SẮC

Là Chủ tịch nước, Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và kể cả khi đã nghỉ công tác, đồng chí Lê Đức Anh vẫn thường xuyên quan tâm đến lực lượng vũ trang, nghiên cứu và đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, có tầm chiến lược sâu rộng về công tác quân sự, quốc phòng cho Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, dấu ấn nổi bật của đồng chí phải kể đến là những đóng góp trong lĩnh vực ngoại giao.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba vào năm 1995. (Ảnh: TTXVN).
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba vào năm 1995. (Ảnh: TTXVN).

Thấu suốt đường lối đối ngoại của Đảng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trên lĩnh vực đối ngoại của đất nước, nổi bật là việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thúc đẩy Việt Nam gia nhập ASEAN. Tháng 10-1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang New York dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hợp quốc, là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới Mỹ. Cùng với xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp cho tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28-7-1995.

Đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao các bộ, ngành để mở rộng quan hệ với các nước. Sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, hàng loạt các quốc gia tìm đến Việt Nam để tìm hiểu và hợp tác, đầu tư về kinh tế và khoa học công nghệ. Cũng trong nhiệm kỳ này, thay mặt Nhà nước và nhân dân ta, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đi dự một số hội nghị quốc tế quan trọng; thăm chính thức và làm việc với 13 nước trên thế giới; đón tiếp 26 nguyên thủ quốc gia thăm hữu nghị chính thức và nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm Việt Nam; tiếp nhận 90 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài tại Việt Nam và cử 57 đại sứ của nước ta tại các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam...

HỒNG LÊ  (tổng hợp)

.
.
.