Thứ Tư, 04/11/2020, 15:33 (GMT+7)
.
Cử tri huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang:

Phản ánh, kiến nghị về biến đổi khí hậu và dân sinh

(ABO) Ngày 4-11, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang cùng các đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang và huyện Châu Thành tiếp xúc cử tri huyện Châu Thành.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đại biểu HĐND tỉnh, huyện tiếp xúc cử tri huyện Châu Thành.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh cùng các đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang và huyện Châu Thành tiếp xúc cử tri huyện Châu Thành.

Tại buổi tiếp xúc, đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang thông báo đến cử tri dự kiến nội dung chương trình kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 14. Theo đó, tại kỳ họp thứ 14, sẽ xem xét đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021; báo cáo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh; xem xét, đánh giá các báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang về tình hình kinh tế - xã hội; tình hình thu, chi ngân sách nhà nước; thực hiện kế hoạch đầu tư công; phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021; xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh…

Tiếp đó, cử tri phát biểu ý kiến đối với những vấn đề còn bất cập ở địa phương.

* NHIỀU GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri xã Nhị Bình bày tỏ quan tâm và lo lắng về vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất trong sản xuất nông nghiệp, cử tri kiến nghị các cấp chính quyền cần xem xét tăng cường hỗ trợ vốn, giống cây trồng để người dân có thể phục hồi diện tích cây ăn trái trên địa bàn. Đồng thời, cử tri kiến nghị chính quyền địa phương cần có biện pháp cụ thể để phòng, chống hạn, mặn trong thời gian tới.

Trả lời về vấn đề này, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành Trần Văn Hậu cho biết, qua thống kê diện tích cây ăn trái, hoa màu (trừ diện tích cây lúa) trên địa bàn huyện Châu Thành bị thiệt hại do đợt hạn, mặn vừa qua là 1.982 ha. Theo đó, kinh phí cần được xem xét hỗ trợ cho người dân là hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại, một số người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, nguyên nhân là do một số chứng từ, thủ tục ở xã còn nhiều sai sót.

Cụ thể, như một người ký tên thay cho nhiều người, một người ký tên thay cho cả tập thể, cả tổ... nên Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành không thể giải quyết hỗ trợ cho những thủ tục chưa đúng quy trình xem xét hỗ trợ.

Vì vậy, Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành đề nghị chính quyền cấp xã và đặc biệt là phân công cán bộ nông nghiệp xã hoàn thiện, chỉnh sửa những thủ tục, chứng từ còn sai sót, gửi về Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành tập hợp chuyển đến UBND huyện Châu Thành để gửi về UBND tỉnh Tiền Giang xem xét hỗ trợ kinh phí đến người dân.

Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc
Cử tri xã Nhị Bình, huyện Châu Thành phát biểu ý kiến về những lo lắng đối với tình hình biến đổi khí hậu, hạn, mặn ảnh hưởng cây trồng của người dân.

Trả lời về kế hoạch của tỉnh Tiền Giang trong việc phòng, chống hạn, mặn trong năm 2021 như thế nào, đồng chí Trần Văn Hậu cho biết, trên địa bàn huyện Châu Thành hiện có 174 cống, đập ngăn mặn, ngăn lũ do huyện quản lý. Trong tháng 10-2020, UBND huyện Châu Thành đã kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa 14 cống, đập đã xuống cấp để phòng, chống hạn, mặn, với kinh phí 4,2 tỷ đồng và được UBND tỉnh Tiền Giang chi 2 tỷ đồng để sửa chữa trước những cống, đập xuống cấp nặng.

Trong ngày 2-11 vừa qua, Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cũng đã cử cán bộ khảo sát cống, đập trên địa bàn xã Nhị Bình, để có giải pháp sửa chữa hoặc thay mới những cống, đập hư hỏng nặng để phòng, chống hạn, mặn.

Ngoài ra, Phòng NN&PTNT huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, sau đó sẽ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh Tiền Giang để có kế hoạch xây dựng nâng cấp, sửa chữa, gia cố 3 đập thép lớn trên địa bàn huyện Châu Thành gồm đập Nguyễn Tấn Thành, đập Kim Sơn và đập Phú Phong để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn. Ngoài những biện pháp trên, đồng chí Trần Văn Hậu khuyến cáo người dân nên đào ao hồ dự trữ nước ngọt, phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt nếu hạn, mặn diễn ra trong thời gian tới.

Trả lời thêm về kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang phòng, chống hạn, mặn, đồng chí Nguyễn Thị Kim Nhung, Phó Trưởng an Pháp chế HĐND tỉnh Tiền Giang cho biết, rút kinh nghiệm từ đợt xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020, trong mùa khô 2020 - 2021, UBND tỉnh Tiền Giang đã có phương án 174 ngày 2-7-2020 về phòng, chống và ứng phó với hạn, mặn.

Song song đó, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 253 ngày 14-9-2020 kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, hỗ trợ xây dựng các công trình phòng, chống hạn, mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với kinh phí 1.650 tỷ đồng; riêng huyện Châu Thành, kinh phí cho việc xây dựng 3 đập là khoảng 800 tỷ đồng và đang chờ Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ kinh phí trong thời gian tới.

* KIẾN NGHỊ ĐẦU TƯ ĐƯỜNG DÂY ĐIỆN HẠ THẾ

Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Điềm Hy phản ánh, các hộ dân ở đoạn đường từ cầu số 1 đến đập Chín Trừ đang gắn dây điện của đường dây hạ thế Nam Kinh Ngang chưa đảm bảo an toàn về điện. Cử tri kiến nghị chính quyền, lãnh đạo tỉnh xem xét đầu tư đường dây điện mới cho đoạn đường nêu trên, đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng điện.

Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc
Cử tri huyện Châu Thành phát biểu ý kiến về một số tuyến đường giao thông xuống cấp tại buổi tiếp xúc

Trả lời cử tri về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Hy Nguyễn Văn Phương cho biết: Đường dây điện từ cầu số 1 đến đập Chín Trừ chiều dài khoảng 100 m. Trong kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới, tiêu chí số 4 về điện luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo đó, UBND xã Điềm Hy đã kết hợp với các ngành liên quan của huyện Châu Thành tiến hành khảo sát các tuyến đường chưa an toàn về điện và đã đưa vào kế hoạch đầu tư, trong đó có đường dây hạ thế đoạn từ cầu số 1 đến đập Chín Trừ. Dự kiến đường dây điện này sẽ thi công vào giai đoạn 2021 - 2022.

Ngoài ra, liên quan đến một số tuyến đường liên xã Điềm Hy - Nhị Bình - Hữu Đạo đã được đầu tư nhưng đến nay qua thời gian sử dụng đã xuống cấp; một số tuyến hệ thống thoát nước đã xuống cấp không đảm bảo thoát nước trong mùa mưa, ảnh hưởng việc đi lại của người dân, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Hy Nguyễn Văn Phương kiến nghị đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang và huyện Châu Thành xem xét phân bổ kinh phí đầu tư sửa chữa cũng như làm mới hệ thống thoát nước của các tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông trong mùa mưa.

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Nhung ghi nhận các ý kiến phản ánh cũng như kiến nghị của cử tri và lãnh đạo địa phương. Đại biểu HĐND tỉnh sẽ tổng hợp và phản ánh đến các ngành liên quan tháo gỡ, giải quyết.

Đồng thời, đồng chí Nguyễn Thị Kim Nhung cũng đề nghị lãnh đạo UBND huyện Châu Thành cần có kế hoạch khảo sát hết những tuyến đường, những điểm giao thông chưa đảm bảo an toàn mà cử tri phản ánh để kịp thời giải quyết. Những tuyến đường nào khó khăn vượt ngoài khả năng của xã, huyện thì kiến nghị đến HĐND, UBND tỉnh để xem xét giải quyết trong thời gian tới.

HOÀI THU – NHƯ NGỌC

.
.
.