Thứ Sáu, 06/12/2019, 20:41 (GMT+7)
.
KỲ HỌP THỨ 11, HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA IX:

Trách nhiệm, thẳng thắn phiên giải trình

(ABO) Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX đã dành nhiều thời gian để thực hiện việc giải trình vào sáng 5-12. Phiên giải trình diễn ra sôi nổi, với nhiều ý kiến, đầy tinh thần trách nhiệm của các đại biểu chất vấn UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành về những vấn đề “nóng”, bức xúc. Đây cũng là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân tỉnh nhà. 

Đồng chí Phạm Minh Trí giải trình tại kỳ họp.
Đồng chí Phạm Minh Trí giải trình tại kỳ họp.

* Dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành việc mở rộng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (giai đoạn 1)

Hiện nay, tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là Cơ sở) đang quản lý, tổ chức cai nghiện cho 616 người, nhưng thiết kế sức chứa chỉ khoảng 230 người, trong khi tiến độ thực hiện Dự án công trình mở rộng Cơ sở còn chậm. Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết những nguyên nhân làm chậm tiến độ xây dựng và dự kiến thời gian hoàn thành, đưa Cơ sở vào hoạt động.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Minh Trí cho biết: Từ tháng 8-2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo mở rộng cầu, đường dẫn vào Cơ sở và đầu tư xây dựng mở rộng Cơ sở, giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh thực hiện lập Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cơ sở. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 104.951 triệu đồng, thời gian khởi công và hoàn thành từ năm 2019 đến năm 2023, hiện đã thực hiện xong công tác lựa chọn nhà thầu triển khai thực hiện dự án (giai đoạn I) gồm: 2 khu quản lý học viên và khu cắt cơn giải độc, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 768 học viên. Tiến độ thực hiện 180 ngày. Dự kiến đến tháng 6-2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Về công tác quản lý học viên cai nghiện, UBND tỉnh đã ban hành 2 Kế hoạch để chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cai nghiện năm 2019. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 2 Nghị quyết quy định về: Đối tượng, nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện vào cai nghiện tại Cơ sở và quy định mức đóng góp kinh phí, chế độ miễn, giảm, chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao năng lực hoạt động của Cơ sở, UBND đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện một số giải pháp: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, viên chức tiếp tục khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Rà soát, bổ sung nhân lực làm công tác quản lý cho Cơ sở; đặc biệt, bổ sung bác sĩ chuyên khoa cho Cơ sở. Các đoàn thể tăng cường hỗ trợ Cơ sở tổ chức các hoạt động cảm hóa, giáo dục, giao lưu văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho học viên, giúp họ vượt qua cám dỗ, cai nghiện có hiệu quả. Ban Giám đốc Sở LĐ-TB&XH định kỳ tổ chức gặp gỡ học viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, động viên học viên đang cai nghiện tại Cơ sở. Công an tỉnh theo dõi, có phương án đảm bảo an ninh trật tự tại Cơ sở, kịp thời, chủ động ứng phó các tình huống xảy ra. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng mở rộng Cơ sở giai đoạn 1 và tiếp tục trình HĐND tỉnh xây dựng Cơ sở giai đoạn 2.

Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn giải trình tại kỳ họp.
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn giải trình tại kỳ họp.

* Tập trung xử lý 12 dự án sạt lở cấp bách

Tại phiên giải trình, theo báo cáo của UBND tỉnh, tình trạng xói lở, xâm thực khu vực bờ biển, bờ sông, kinh rạch đang diễn ra khá nghiêm trọng ở vùng phía Đông và phía Tây của tỉnh. Năm 2019, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 130 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 4 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp. Ngoài ra, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho các địa phương tiến hành xử lý 61/87 điểm sạt lở kinh, rạch với kinh phí hỗ trợ 49,4 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn của đại biểu: Đến nay tỉnh còn bao nhiêu điểm sạt lở cần hỗ trợ? Được UBND tỉnh ủy quyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Về sạt lở bờ biển, năm 2019 đã xảy ra 10 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 2.897 m, làm mất 8,59 ha rừng phòng hộ ven đê, kinh phí xử lý khoảng 88 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT thực hiện gia cố, xử lý được 9 đoạn với chiều dài 2.390 m, còn lại 1 đoạn với chiều dài 507 m đang thi công được 40%, dự kiến hoàn thành vào tháng 5-2020. Về sạt lở bờ sông, kinh, rạch, đến cuối tháng 11-2019 xảy ra 104 điểm, chiều dài 4.974 m, kinh phí xử lý 104 điểm khoảng 61 tỷ đồng. Đối với những điểm sạt lở nhỏ và vừa, UBND tỉnh giao UBND cấp huyện chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách của cấp mình tiến hành xử lý khẩn cấp, trong trường hợp địa phương thiếu nguồn thì báo cáo Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí được kịp thời.

Trong 104 điểm, đã xử lý xong 40 điểm, đang thi công 47 điểm, 17 điểm việc lập hồ sơ đã xong, đang xem xét phê duyệt để triển khai. Qua công tác kiểm tra, rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 12 dự án cần xử lý sạt lở cấp bách với tổng mức đầu tư 1.433 tỷ đồng. UBND tỉnh đã đề xuất Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư, dự kiến năm 2020 Trung ương bố trí 100 tỷ đồng để xử lý. Ngoài ra, UBND tỉnh đang kiến nghị Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 200 tỷ đồng để triển khai thực hiện công trình Chống xói lở, gây bồi và phục hồi rừng phòng hộ bảo vệ để biển Gò Công (đoạn từ Đèn Đỏ đến xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, với chiều dài khoảng 4,6 km)...

 * Đẩy nhanh chi hỗ trợ hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy

Liên quan đến tình hình dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra trên địa bàn tỉnh ta gây thiệt hại cho hộ chăn nuôi, các đại biểu cho biết, đến nay tỉnh chi hỗ trợ cho 3.077/6.263 hộ chăn nuôi có heo bị bệnh, hiện người dân còn thiếu vốn và chưa an tâm tái đàn, nhiều khả năng khan hiếm nguồn cung thịt heo, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết kế hoạch, giải pháp đối với vấn đề này trong thời gian tới.

Được UBND tỉnh ủy quyền, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn giải trình, cho biết: Bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến rất phức tạp, do bệnh này chưa có vắc xin phòng trị, nên vừa qua gây thiệt hại gần 180.000 con heo của 6.263 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân như: Giao UBND các địa phương tổ chức thẩm định hồ sơ hỗ trợ và ban hành quyết định hỗ trợ cho các hộ dân có heo bị bệnh tiêu hủy theo quy định; tổng hợp kinh phí hỗ trợ và gửi về Sở NN-PTNT, Sở Tài chính, trình UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho các địa phương chi hỗ trợ cho người dân. UBND tỉnh cũng đã giao Sở NN-PTNT tổ chức 5 lớp tập huấn cho cán bộ các cấp phụ trách công tác hỗ trợ về các thủ tục, biểu mẫu thống kê theo quy định và thường xuyên phối hợp với địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ.

Do việc thực hiện hồ sơ hỗ trợ theo quy định của Trung ương phải mất khá nhiều thời gian, nên đến nay mới có 3.222 hộ chăn nuôi nhận được 168,4 tỷ đồng tiền hỗ trợ, đạt 51,53% so với tổng số hộ được xem xét hỗ trợ. Để thúc đẩy công tác hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ đối với các hộ còn lại.

Về diễn biến bệnh dịch tả heo châu Phi đã có chiều hướng giảm, với 76 xã đã qua 30 ngày không xảy ra ổ dịch mới. Để hướng dẫn người dân tái đàn đảm bảo an toàn và hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT có hướng dẫn cụ thể các cơ sở chăn nuôi heo phải đảm bảo quy định về chuồng trại theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Nhập heo tái đàn phải tuân thủ theo Hướng dẫn 4249 ngày 18-6-2019 của Bộ NN-PTNT về kiểm soát việc vận chuyển heo để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh dịch tả heo châu Phi…; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên theo dõi kiểm tra dịch tể để xử lý nhanh các ổ dịch phát sinh (nếu có), tránh lây lan.

Về bệnh lở mồm long móng, toàn tỉnh có 182 hộ có heo, bò bị bệnh đã được chi hỗ trợ xong, với tổng số tiền 6,7 tỷ đồng.

NHÓM PHÓNG VIÊN

.
.
.